NGHỆ THUẬT TĂNG HIỆU QUẢ TRUYỀN THÔNG CHO CONTENT MARKETING - 07 BÍ QUYẾT THỰC CHIẾN

Content Marketing (hay Tiếp thị nội dung) là hoạt động marketing tập trung vào việc tạo ra và phân phối nội dung có giá trị, liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Với phương pháp marketing này, thay vì quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, bạn cung cấp nội dung thực sự hữu ích cho khách hàng tiềm năng và khách hàng, từ đó giúp họ giải quyết các vấn đề mà họ đang gặp phải.

Content marketing có thể được truyền tải dưới nhiều hình thức như blog, ebook, video, infographics,... nhưng dù bạn chọn hình thức nào, thì cũng cần điều chỉnh tác phẩm truyền thông của mình cho phù hợp với người dùng. Nếu không, dù content bạn hay thế nào, nhưng hiệu quả truyền thông cũng sẽ không được tối ưu.

 

Dưới đây ThinkZone giới thiệu 07 bí quyết thực chiến giúp các bạn làm content marketing nâng cao hiệu quả cho sản phẩm truyền thông của mình.

 

1. PHÂN KHÚC ĐỐI TƯỢNG KHÁCH HÀNG

Việc phân khúc các đối tượng khách hàng mà bạn truyền thông là cực kì quan trọng. Bạn không thể dùng ngôn ngữ teen để truyền thông tới các nhà chính khách, hay dùng ngôn ngữ trang trọng để viết cho độc giả là thiếu niên. 

Nguồn ảnh: Internet

 

Về cơ bản, bạn cần xác định chân dung khách hàng của mình, bao gồm thông tin nhân khẩu học (tuổi tác, lĩnh vực nghề nghiệp, địa điểm sống,...) và insight về hành vi, tâm lí của họ. 

 

Có thể bạn đang thắc mắc rằng tại sao việc xác định chân dung khách hàng này lại quan trọng. Xin thưa, rằng nó sẽ vẽ cho bạn thấy được lộ trình tới mục tiêu của mình. Một khi đã xác định được mình cần marketing cho những người như thế nào, bạn sẽ biết được mình cần viết về nội dung gì, tone giọng ra sao, thiết kế theo phong cách nào, thông điệp thế nào cho phù hợp với khách hàng.

 

Bạn có thể đặt ra một vài câu hỏi dưới đây để phân khúc đối tượng khách hàng của mình:

➤ Những đặc điểm nhân khẩu học của họ là gì? (Tuổi, giới tính, tôn giáo,...)

➤ Tính cách của họ ra sao? (Hướng nội/ hướng ngoại/ cảm tính/ lí trí/…)

➤ Họ quan tâm đến điều gì?

➤ Họ có những vấn đề/nhu cầu nào?

➤ Nội dung nào có thể giúp họ giải quyết những vấn đề đó?

➤ Những nội dung nào thường được những người như họ quan tâm?

Các câu hỏi trên sẽ gợi mở cho bạn nhiều điều quý giá giúp bạn xây dựng được sản phẩm truyền thông mà khách hàng sẽ đón nhận.

 

Sau khi xác định được chân dung khách hàng, bạn cần thể hiện sao để họ nhận thức được rằng sản phẩm/thương hiệu của bạn có thể giải quyết nhu cầu của họ. Một khi bạn có thể đồng cảm với khách hàng, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc truyền tải tới khách hàng về sản phẩm của mình. Và khách hàng sẽ coi sản phẩm đó như là một phương thức giúp họ giải quyết vấn đề.

 

2. NGHIÊN CỨU ĐỐI THỦ CẠNH TRANH

So sánh chiến lược content marketing của bạn với đối thủ có thể sẽ gợi mở nhiều phương án hay ho để bạn vượt qua họ. Đôi khi, việc này còn giúp bạn phát hiện được những insight về lợi thế cạnh tranh của đối thủ.

 

Vậy, thực hiện nghiên cứu đối thủ cạnh tranh như thế nào?

➤ Đầu tiên, tất nhiên là nghiên cứu thị trường và liệt kê các đối thủ cạnh tranh của bạn. Cách dễ nhất là sử dụng các công cụ tìm kiếm. Gõ một vài từ khóa liên quan đến nội dung bạn định viết, và xem rằng những trang nào hiện ra ở top đầu danh mục kết quả.

Dưới đây là kết quả khi tôi gõ cụm “thủ thuật marketing”:

 

➤ Sau đó, hãy tìm hiểu xem đa phần các “ông lớn” trong lĩnh vực này viết về nội dung gì, hình thức thế nào,... Rồi từ đó xây dựng một content khác biệt và hiệu quả cho riêng mình.

 

3. DÙNG MỘT CÂU HEADLINE THU HÚT

Content của bạn có thể rất hay, nhưng sẽ chẳng ai xem nếu như họ không cảm thấy bị thu hút (bởi câu headline) để bấm vào đường link. Do đó, việc đặt một câu headline thu hút cũng là rất quan trọng.

 

Vậy, đặt câu headline thế nào cho thu hút? Đầu tiên là giải quyết bài toán xác định chân dung khách hàng ở trên. Rồi sau đó, cân nhắc một số điều sau:

➤ Câu này đã truyền tải được thông điệp chính chưa?

➤ Câu này đã mô tả được giải pháp tới khán giả chưa?

➤ Câu này đã đủ độc đáo để thu hút người xem chưa?

➤ Câu này có tạo cảm giác khiến mọi người thấy cần bấm vào xem không?

➤ Từ góc độ khán giả, câu này có dễ hiểu không?

 

Trả lời những câu hỏi trên, bạn sẽ vạch ra được những yếu tố cần có của một câu headline hấp dẫn. 

 

Google Trends

Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng những từ khóa thường được tìm kiếm cho câu headline để tăng khả năng nội dung của bạn hiện lên trong danh mục kết quả tìm kiếm. Google Trends là một công cụ đắc lực cho việc này. Bạn chỉ cần gõ tên chủ đề của nội dung, và kết quả hiện lên sẽ cho thấy những keywords thường xuất hiện trong các công cụ tìm kiếm. Và việc bạn cần làm là lựa chọn những keyword được tìm kiếm nhiều, và phù hợp về nội dung, để cho vào câu headline.

 

4. SỬ DỤNG YẾU TỐ HÌNH ẢNH

Bạn cũng có thể sử dụng những yếu tố hình ảnh để truyền tải những nội dung giá trị cho khách hàng mục tiêu. Những nội dung này thường được trình bày dưới dạng ảnh, infographics, hoặc poster.

 

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chọn hình ảnh sao cho có liên quan đến khách hàng mục tiêu, liên quan đến nội dung được truyền tải, và chất lượng ảnh phải đạt yêu cầu tối thiểu.

Rõ ràng một mô hình được hình ảnh hóa thế này sẽ giúp người xem dễ tiếp thu nội dung hơn rất nhiều

 

➤ Vậy, tại sao việc sử dụng hình ảnh lại hiệu quả?

Một nghiên cứu bởi MIT đã cho thấy rằng não bộ con người có thể nhận diện hình ảnh chỉ trong vòng 0,013 giây, nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ xử lí dữ liệu văn bản. Bởi vậy, bằng việc sử dụng hình ảnh, nội dung của bạn sẽ dễ dàng được tiếp nhận hơn. Nếu được sử dụng hợp lí, hình ảnh sẽ giúp sản phẩm truyền thông của bạn hấp dẫn người xem hơn rất nhiều.

 

5. SỬ DỤNG NHIỀU PLATFORM KHÁC NHAU

Content marketing không chỉ giới hạn ở việc viết blog. Mặc dù blog là hình thức phổ biến nhất của content marketing, có nhiều nền tảng khác mà bạn bạn hoàn toàn có thể sử dụng để truyền thông về content của mình, điển hình là Facebook, Instagram, Reddit, hay YouTube.

Nguồn ảnh: Internet

 

Lan tỏa nội dung của bạn tới nhiều platform khác nhau sẽ khiến khách hàng tiềm năng dễ tiếp cận tới nội dung đó hơn. Ví dụ, nếu chân dung khách hàng cho bạn thấy họ chỉ sử dụng Facebook, thì đó nên là kênh chính của bạn; hoặc bạn nhận thấy các vị phụ huynh Việt Nam đang sử dụng Zalo thường xuyên, thì hãy cân nhắc đăng tải content marketing lên kênh này nếu đang nhắm đến đối tượng khách hàng là các bậc phụ huynh nhé.

 

Bên cạnh việc lan tỏa nội dung tới khách hàng, việc đăng bài lên các platform nhất định cũng giúp bạn thuận tiện hơn cho việc trực tiếp giao tiếp với khách hàng qua những platform đó. Ngoài ra, những tính năng như hashtag trên Facebook, Twitter, Instagram,... hay tag trên Blog cũng giúp nội dung của bạn dễ được tìm thấy hơn khi người dùng gõ những cụm từ khóa nhất định.

 

Tuy nhiên, dù đăng tải nội dung lên bao nhiêu platform đi nữa, thì nội dung vẫn là yếu tố bạn cần chú trọng nhất. Hãy đảm bảo chất lượng của nội dung, và đảm bảo rằng nó đồng nhất với những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp/sản phẩm của bạn mang lại, điều này sẽ tác động không nhỏ đến tương tác và tính trung thành (loyalty) của khách hàng với sản phẩm.

 

6. SỬ DỤNG NHỮNG KEYWORD MANG TÍNH ĐỊA PHƯƠNG (LOCAL KEYWORDS)

Đôi người, mọi người thường tìm kiếm những thứ liên quan đến địa phương, ví dụ như “quán coffee ven hồ Tây”, hay “chỗ đi chơi tối ở Cầu Giấy” là những cụm từ tìm kiếm liên quan đến một số khu vực địa phương.

Nguồn ảnh: Internet

 

Số liệu thống kê cho thấy 43% số cụm từ tìm kiếm đều có liên quan đến yếu tố địa phương, do đó bạn cũng nên xem xét xem với nội dung của mình, có thể lồng ghép từ ngữ địa phương vào câu headline không nhé.

 

Việc sử dụng những keyword mang tính địa phương có hai lợi ích. Thứ nhất, nó làm tăng tính uy tín cho nội dung của bạn. Thứ hai, nó cũng khiến người đọc cảm nhận rằng bạn là một chuyên gia ở địa phương này.

 

7. ĐẦU TƯ CHO CHẤT LƯỢNG CỦA NỘI DUNG

Nghe có vẻ là một điều khá hiển nhiên, tuy nhiên với những người phải làm nội dung liên tục, thì việc giữ được chất lượng nội dung ổn định là điều không hề dễ dàng. Một ngày đẹp trời bạn có thể nảy ra ý tưởng content cực kỳ độc đáo, thu hút người xem, nhưng rồi một vài ngày sau khi deadline tiếp theo cận kề, lại chẳng biết viết gì cho hay; và kết quả là đành viết “tạm” một bài cho kịp deadline, dù nội dung vẫn khá chung chung, không xác thực.

Nguồn ảnh: Internet

 

Hãy nhớ rằng, chỉ dựa vào keywords hay headline để thu hút người đọc là không bao giờ đủ để đưa nội dung của bạn lên top danh sách tìm kiếm - chất lượng của nội dung là thứ cần được ưu tiên đảm bảo nhất.

 

Một nội dung hay không chỉ làm tăng lượng người xem, mà còn làm tăng lượng chia sẻ, và đi cùng với đó là uy tín cho thương hiệu của bạn, hãy ghi nhớ điều này. Vậy, làm thế nào để giữ được nội dung có chất lượng tốt? Sau đây là một số điều bạn nên cân nhắc mỗi khi viết nội dung:

➤ Giải quyết vấn đề của người xem

➤ Xây dựng kế hoạch nội dung dài hạn với nội dung chuyên sâu

➤ Sử dụng yếu tố hình ảnh

➤ Nội dung không quá trang trọng → hãy chú trọng việc tăng tương tác với người xem

➤ Sử dụng những nguồn tham khảo đáng tin cậy

➤ Cân nhắc sử dụng bullet points phù hợp để người xem có thể lướt qua nhanh chóng mà vẫn nắm được nội dung

➤ Đưa ra được những lời khuyên mà từ đó người xem có thể đưa ra hành động của mình

➤ Liên tục cập nhật nội dung

 

Đừng quên rằng, nội dung của bạn cần phải tập trung vào giải pháp. Hãy ưu tiên những thông tin quan trọng, thay vì cố viết cho dài để tăng dung lượng hay thời gian xem nội dung. Hãy làm sao để sau khi xem xong nội dung, người ta thu được thứ gì đó hữu ích với mình.

 

KẾT LUẬN

Để xây dựng được nội dung content marketing hiệu quả, bạn cần phải hiểu rõ về khách hàng của mình, xây dựng nội dung xung quanh chân dung khách hàng, và giải quyết vấn đề của họ. Cố gắng xây dựng một nội dung độc đáo so với đối thủ, và khiến nội dung hấp dẫn hơn qua việc sử dụng câu headline thu hút, dùng nhiều hình ảnh, và bao hàm nội dung chuyên sâu.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Nghệ thuật thu hút khách hàng qua một câu giới thiệu sản phẩm

04 viễn cảnh khi startup gia nhập thị trường

Bạn có thể kiếm bao nhiêu tiền từ chỉ 5 dollar?

9 Phương pháp đưa yếu tố viral vào sản phẩm (phần 1)

9 Phương pháp đưa yếu tố viral vào sản phẩm (phần 2)

Mô hình Bullseye - Xác định kênh bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp