Why we invest: GIMO - Giảm áp lực tài chính, tăng chất lượng đời sống
15/03/2023 GIMO, nền tảng chi và nhận lương linh hoạt đã gọi vốn thành công 5,1 triệu USD tại đợt gọi vốn đầu tiên vòng Series A được dẫn dắt bởi TNB Aura vào tháng 2 năm 2023. Vòng gọi vốn còn có sự tham gia của ThinkZone Ventures, Blauwpark Partner, Integra Partners, Resolution Ventures, Y Combinator.
ThinkZone Ventures từng đầu tư vào GIMO tại vòng gọi vốn Seed. Chúng tôi cũng đã từng chia sẻ về câu chuyện và những giá trị tốt đẹp mà GIMO mang lại cho doanh nghiệp và người lao động. Quay trở lại vòng vốn này, ThinkZone Ventures muốn chia sẻ nhiều hơn về giá trị này cùng tiềm năng phát triển của startup và những con số chứng minh khả năng tăng trưởng của ứng dụng nhận lương linh hoạt này.
GIỚI THIỆU VỀ GIMO
GIMO, một startup fintech cung cấp giải pháp chi và nhận lương linh hoạt, hướng tới những doanh nghiệp và người lao động phổ thông ở Việt Nam. Thông qua giải pháp của GIMO, người lao động có thể nhận lương sớm hơn mọi lúc, mọi nơi với số tiền ứng với số ngày công đã làm được, chỉ với một vài thao tác trên ứng dụng GIMO.
Sản phẩm của GIMO tập trung hướng tới hàng triệu lao động phổ thông tại Việt Nam. Họ là đối tượng dễ tổn thương nhất trước những bất ổn tài chính, phải đối diện với các khoản chi đột xuất, khó xoay xở. Bởi vì, thu nhập của đối tượng này chỉ đủ chi trả các khoản chi hàng tháng, không có số tiền dư để phòng các trường hợp khẩn cấp như con ốm, đóng học phí,...
Đối mặt với những áp lực tài chính như vậy, nhiều người lao động đã phải tìm đến nhiều cách thức khác nhau để vay mượn, đáp ứng nhu cầu tài chính ngay lập tức, tuy nhiên các phương thức hiện có còn gặp nhiều vấn đề như lãi suất quá cao, cần tài sản thế chấp, mất nhiều thời gian xử lý thủ tục,... khiến người lao động khó tiếp cận được. Theo khảo sát từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 30% người lao động luôn trong tình trạng túng thiếu, thường xuyên vay mượn và không có tích lũy trong vòng 5 năm qua.
MANG ĐẾN GIÁ TRỊ GIA TĂNG CHO DOANH NGHIỆP
Áp lực tài chính có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng công việc, và người sử dụng lao động. Tổng hợp số liệu từ Forbes 2018, Researchgate 2004, PwC 8th annual employee financial wellness survey 2020 cho thấy những nỗi lo về mặt tài chính của nhân viên có thể tăng tỷ lệ xin nghỉ gấp 5 lần để giải quyết các vấn đề cá nhân. Điều này cũng có thể tăng gấp 2 lần nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe và 4 lần vấn đề tâm lý, trầm cảm, gây ảnh hưởng tới hiệu suất của người lao động, đồng thời áp lực tài chính còn làm giảm sự gắn bó của nhân viên với công ty.
Sau khi tiếp cận tới nhiều doanh nghiệp, ứng dụng GIMO đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Theo một khảo sát của GIMO về tác động của giải pháp này đến doanh nghiệp và người lao động, hơn 80% người lao động cảm thấy hài lòng hơn với chính sách của công ty từ việc hưởng phúc lợi sau khi sử dụng ứng dụng nhận lương linh hoạt.
THỊ TRƯỜNG MỞ RỘNG CHO CÁC DỊCH VỤ TÀI CHÍNH
Nhìn chung, Việt Nam là một thị trường rất rộng mở để phát triển các dịch vụ tài chính. Theo thống kê từ Merchant Machine vào năm 2021, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trên toàn thế giới với 69% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. Tính trong khu vực Đông Nam Á, khoảng 290 triệu người không có hoặc ít có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ tài chính ngân hàng chính thống (theo Ngân hàng Thế giới). Những điều kiện này đang khuyến khích những startup fintech như GIMO phát triển mạnh mẽ.
Thực tế, mô hình nhận lương linh hoạt đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu, châu Mỹ, giúp nhiều tập đoàn lớn như Walmart hay Paypal cải thiện các chỉ số quản trị nhân sự. Mang mô hình về Việt Nam, GIMO được các doanh nghiệp, tập đoàn đánh giá cao vì đã làm tăng sự gắn bó của nhân viên với công ty hơn.
THỊ PHẦN LỚN
Xét riêng về thị trường lao động tại Việt Nam, trên cả hiện đang có 277 khu công nghiệp cung cấp công việc cho lao động phổ thông, ước tính có khoảng 11 triệu lao động phổ thông đang làm việc cho các doanh nghiệp FDI tại đây. Tập khách hàng lớn và ít đối thủ cạnh tranh tạo cơ hội cho GIMO mở rộng thị trường và tiếp tục tăng trưởng trong nhiều năm tới.
CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Chỉ sau gần hai năm thành lập, khoảng 500.000 người lao động từ 100 doanh nghiệp, công đoàn cơ sở lớn đã tiếp cận với giải pháp nhận lương linh hoạt của GIMO. Tính tới thời điểm cuối năm 2022, khối lượng giao dịch của GIMO đã tăng gấp 11 lần và doanh thu tăng trưởng 24 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số ấn tượng chứng minh được nhu cầu vô cùng lớn của người lao động phổ thông tại Việt Nam cho giải pháp tài chính cá nhân.
NĂNG LỰC CỦA ĐỘI NGŨ SÁNG LẬP
Đồng hành với GIMO từ vòng gọi vốn seed, ThinkZone Ventures đã có thời gian dài làm việc cùng đội ngũ sáng lập. Chúng tôi nhìn thấy được qua bề dày kinh nghiệm vững chắc của co-founders về mảng fintech, năng lực lãnh đạo cùng tinh thần nhiệt huyết của họ đối với sản phẩm có thể đưa GIMO đi rất xa. Và thực tế, GIMO hiện là một trong những startup fintech có tốc độ phát triển ấn tượng nhất tại Việt Nam. Nguyễn Anh Quân, CEO & Co-founder của GIMO, từng giữ các vị trí quan trọng tại các công ty tài chính như Citibank, IDG Capital, và Leadvisors Capital. Nguyễn Văn Ngọc, CPO & Co-founder của GIMO, từng xây dựng ứng dụng tài chính cá nhân với hơn 100 triệu người sử dụng và cùng nhiều ứng dụng điện thoại khác.
ThinkZone Ventures rất vui mừng khi tiếp tục đầu tư và đồng hành cùng GIMO. Chúng tôi sẽ mang tới những nguồn lực tốt nhất để cùng GIMO đưa giải pháp chi và nhận lương linh hoạt tới hàng triệu người lao động phổ thông trên cả nước, và cùng thực hiện sứ mệnh “Sống tốt hơn, làm vui hơn”.