Phân biệt LEAN STARTUP và DESIGN THINKING: Áp dụng thế nào cho hợp lý?

Design Thinking và Lean Startup là hai triết lý khởi nghiệp tiên tiến đã rất phổ biến trên thế giới, là hành trang song hành không thể thiếu với mọi startup (dù hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam gần gũi với Lean hơn, còn khái niệm Design Thinking vẫn còn khá xa lạ, và rất ít các đơn vị đào tạo bài bản). Hai triết lý này được áp dụng rộng rãi trong cả startup và các công ty lớn như Uber, Airbnb, Facebook, Google,... nhằm không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trước hai triết lý khởi nghiệp đắc lực, rất tự nhiên chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Áp dụng thế nào cho hợp lý?

 

Trong bài viết này, ThinkZone sẽ tóm lược về cả hai triết lý, cũng như chỉ rõ những giá trị thiết thực mà chúng mang lại trong các giai đoạn khác nhau của quá trình đổi mới sáng tạo. Bài viết này cũng bao gồm những phân tích về việc khi nào nên dùng triết lý nào và tại sao lại áp dụng triết lý đó.

 

 -----

Đăng ký nhận Newsletter hàng tuần của ThinkZone để không bỏ lỡ những bài blog và tin tức đầu tư mới nhất: https://bit.ly/TZNewsletter_web

-----



1. TÓM LƯỢC VỀ LEAN STARTUP

Nguồn ảnh: Boardofinnovation.com

Lean Startup (còn gọi là Khởi nghiệp tinh gọn) có thể được coi là triết lý về cách thức điều hành kinh doanh một doanh nghiệp. Xét về bản chất, mục tiêu khi áp dụng triết lý này là đạt product-market fit thông qua việc xây dựng Sản phẩm Khả dụng tối thiểu (Minimum Viable Product - MVP) và không ngừng cải tiến nó qua vòng lặp Build - Measure - Learn.

 

Khi áp dụng Lean Startup để xây dựng sản phẩm, bạn sẽ bắt đầu bằng việc xây dựng một MVP bao hàm trong nó những tính năng chủ chốt, mà bạn giả định là sẽ thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Sau đó, MVP sẽ được người dùng thử (early adopter) sử dụng và đánh giá, việc của bạn là đo lường những chỉ số và lời đánh giá mà bạn cho là quan trọng, để kiểm chứng những giả định của mình về khách hàng. Qua đó, dựa trên kết quả kiểm chứng, bạn đưa ra quyết định có cơ sở về hướng cải thiện sản phẩm. Thực hiện quá trình này liên tục cho đến khi khách hàng hoàn toàn hài lòng với sản phẩm và sẵn sàng mua, khi đó bạn đã đạt được product-market fit.

 

2. TÓM LƯỢC VỀ DESIGN THINKING

Nguồn ảnh: Nguồn ảnh: Boardofinnovation.com

 

Design Thinking là một quy trình 5 bước giải quyết vấn đề, với con người là trọng tâm của cả quy trình, cụ thể là những nhu cầu/vấn đề của họ. Khi áp dụng triết lý này, bạn sẽ luôn bắt đầu bằng việc đồng cảm với khách hàng mục tiêu của mình. Rất nhiều kỹ thuật từ xã hội học và tâm lý học có thể được sử dụng để nắm bắt được insight của khách hàng, từ đó giúp bạn có thể tự tin trả lời hai câu hỏi quan trọng: Khách hàng của tôi là ai?, và Nhu cầu của họ là gì?”.

 

Sau khi đã đồng cảm với khách hàng, bạn chọn ra và ưu tiên những vấn đề của khách hàng mà bạn cho là nhức nhối nhất, rồi sau đó lên ý tưởng giải quyết những vấn đề đó. Ý tưởng tốt nhất sẽ được chuyển thể thành sản phẩm demo và được trải nghiệm bởi khách hàng mục tiêu. Sản phẩm này cần bao gồm những tính năng chủ chốt (giống với MVP) và được kiểm chứng liên tục (giống vòng lặp Build - Measure - Learn) tới khi đạt product-market fit.

 

Xem video giới thiệu quy trình 5 bước của Design Thinking tại ĐÂY.

 

3. GIÁ TRỊ NỔI TRỘI CỦA LEAN STARTUP

Như đã tóm lược ở trên, cả hai triết lý đều bao gồm bước xây dựng sản phẩm demo (với Design Thinking) hoặc MVP (với Lean Startup), rồi đưa nó qua vòng lặp kiểm tra và học hỏi liên tục. Trong quá trình này, Lean Startup cho thấy giá trị nổi trội của mình hơn so với Design Thinking, bởi triết lý Lean Startup bao hàm trong nó hệ thống framework và chỉ số đo lường khả dụng (actionable metrics) được xây dựng tập trung hỗ trợ cho quá trình phát triển sản phẩm.

 

Kiến thức chuyên sâu về hệ thống framework và chỉ số đo lường khả dụng của Lean Startup nằm ngoài chủ đề của bài viết nên không được giới thiệu chi tiết trong bài viết này.

 

4. GIÁ TRỊ NỔI TRỘI CỦA DESIGN THINKING

Mặt khác, Design Thinking bắt đầu bằng việc đồng cảm với khách hàng mục tiêu, xác định vấn đề nhức nhối nhất của họ, và đề xuất các ý tưởng giải quyết vấn đề đó. Những bước này được thực hiện trước giai đoạn xây dựng sản phẩm, và giai đoạn này bù được điểm còn thiếu của Lean Startup là khách hàng. Các framework của Design Thinking rất mạnh trong việc thấu hiểu khách hàng, và từ đó giảm thiểu được nguy cơ xây một sản phẩm không ai cần ở giai đoạn sau. Do đó, Design Thinking thường được áp dụng trong thời gian đầu của quá trình xây dựng sản phẩm: thời gian tìm hiểu về khách hàng và thị trường.

 

Nguồn ảnh: Nguồn ảnh: Boardofinnovation.com

 

Sơ đồ trên cho thấy bức tranh tổng quan về việc triết lý nào tỏ rõ giá trị của mình như thế nào, và ở giai đoạn nào của quá trình phát triển sản phẩm. Quá trình này được có thể được chia thành Problem Space (Không gian Vấn đề) và Solution Space (Không gian Giải pháp). Việc phân chia này mang lại cho ta hai hướng suy nghĩ khác nhau trong quá trình xây dựng sản phẩm.

 

Không gian Vấn đề là nơi bạn tìm hiểu chân dung khách hàng mục tiêu và nhu cầu của họ. “Nhu cầu” ở đây là khoảng trống giữa những gì khách hàng có và những gì họ cần, mà bạn có thể bù đắp được bằng sản phẩm của mình. Giá trị chính của Design Thinking là giúp bạn giải quyết các bài toán ở Không gian Vấn đề này.

 

Không gian Giải pháp là nơi bạn xây dựng sản phẩm, dịch vụ, hay trải nghiệm giải quyết được nhu cầu của khách hàng. Lean Startup “nằm trọn” trong Không gian Giải pháp, giúp bạn không ngừng cải tiến sản phẩm. 

 

5. KHI NÀO NÊN CHUYỂN TỪ DESIGN THINKING (KHÔNG GIAN VẤN ĐỀ) SANG LEAN STARTUP (KHÔNG GIAN GIẢI PHÁP)?

Thách thức dành cho các Innovation Manager, Product Owner và Intrapreneur (startup xuất phát từ bên trong một công ty lớn) là việc quyết định khi nào là thời điểm thích hợp để chuyển từ Design Thinking (Không gian Vấn đề) sang Lean Startup (Không gian Giải pháp). Trước khi áp dụng Lean Startup, bạn cần có những dữ kiện (đã được kiểm chứng nhất định) về vấn đề bạn đang giải quyết, về giải pháp bạn đang mang lại, và mô hình kinh doanh bạn đang dự kiến. 

 

Một số yếu tố khác cần cân nhắc bao gồm:

➤ Strategic fit (phù hợp về chiến lược): Việc giải quyết vấn đề/nhu cầu của khách hàng phải nhất quán với tầm nhìn của công ty.

 Portfolio fit (phù hợp về danh mục sản phẩm): Giải pháp thu được từ Design Thinking cần phù hợp với danh mục các sản phẩm khác của công ty.

➤ Internal buy-in (nguồn lực nội bộ): Các tài nguyên trong công ty đều được tận dụng để theo đuổi giải pháp này. Các nguồn lực này bao gồm kinh phí, con người, không gian và thời gian làm việc.

➤ Áp dụng hệ thống đo lường riêng: Là một sản phẩm mới, team không nhất thiết phải áp đặt hệ thống và tiêu chuẩn đo lường chung của các sản phẩm khác cho sản phẩm mới này (như doanh thu hàng tháng, hay lợi nhuận biên,...). Sản phẩm mới cần có một hệ thống đo lường riêng, phục vụ cho việc kiểm chứng những giả thiết liên quan đến nó (nhằm đạt product-market fit).

 

6. DESIGN THINKING VÀ LEAN STARTUP BỔ TRỢ LẪN NHAU

Design Thinking và Lean Startup là hai triết lý bổ trợ lẫn nhau, và những framework, công cụ chi tiết của chúng định hướng hoạt động từng ngày của đội ngũ phát triển phát triển sản phẩm, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, cho cả mô hình B2B và B2C.

 

Giá trị cốt lõi của Design Thinking là phát hiện nhu cầu khách hàng, bối cảnh, vấn đề của họ, từ đó cho phép bạn nảy ra nhiều ý tưởng cho sản phẩm/dịch vụ. Những insight thu được từ Design Thinking là input (dưới dạng giả thiết) cho vòng lặp kiểm chứng không ngừng (Build - Measure - Learn) của Lean Startup, nhằm đạt mục tiêu product-market fit sớm nhất có thể. Có quá trình Design Thinking là nền tảng, doanh nghiệp sẽ hạn chế rủi ro (về mặt khách hàng) khi triển khai Lean Startup.

 

Với các nhóm phát triển sản phẩm mới từ trong công ty lớn (intrapreneur), thời điểm chuyển từ Design Thinking sang Lean Startup phụ thuộc vào mức độ phù hợp với công ty, và nguồn lực hỗ trợ mà họ nhận được từ công ty.

 

Nguồn ảnh: Internet

 

NHẮN NHỦ

➤ Ghi nhớ sơ đồ về Không gian Vấn đề và Không gian Giải pháp → Điều này giúp bạn hiểu được mình đang ở trong giai đoạn nào của quá trình phát triển sản phẩm, và nên sử dụng triết lý nào.

➤ Tránh việc áp dụng Lean Startup quá sớm → Chỉ chuyển sang Lean Startup nếu bạn cảm thấy mình đã thu lượm đủ dữ kiện về khách hàng từ Design Thinking, và giải pháp thu được từ Design Thinking là có tiềm năng.

➤ Chuyển hay dừng lại? → Nếu thấy giải pháp thu được từ Design Thinking là không thực sự đủ tiềm năng, đừng chuyển sang Lean Startup. Hãy lặp lại quá trình Design Thinking để tìm kiếm giải pháp tốt hơn.

➤ Cân nhắc strategic fit và portfolio fit từ sớm → Nếu bạn là một intrapreneur, hãy tránh việc dồn thời gian và công sức phát triển một sản phẩm mà sau đó sẽ bị ban giám đốc hủy bỏ.