“The Magic moment” là gì? Tại sao nó lại quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm?

Khái niệm “the Magic moment” (Khoảnh khắc Kỳ diệu) ám chỉ thời điểm lần đầu tiên người dùng cảm nhận được giá trị mà sản phẩm mang lại đáp ứng được nhu cầu của mình. Và bởi mọi trải nghiệm người dùng đều phải được thiết kế sao cho giá trị của sản phẩm được truyền tải tới người dùng nhanh nhất có thể, việc xác định “the Magic moment” cho mỗi sản phẩm là cực kỳ quan trọng.

 


Vậy, ý nghĩa của “the Magic moment” là gì? Tại sao nó lại quan trọng? Đưa nó vào quá trình phát triển sản phẩm thế nào? Hãy cùng ThinkZone tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

 

 -----

Đăng ký nhận Newsletter hàng tuần của ThinkZone để không bỏ lỡ những bài blog và tin tức đầu tư mới nhất: https://bit.ly/TZNewsletter_web

-----

 

“THE MAGIC MOMENT” LÀ GÌ? TẠI SAO CẦN QUAN TÂM ĐẾN NÓ?

Hiểu nôm na, “the Magic moment” (hay còn gọi là “the Aha moment”, “the Wow moment”) là khoảnh khắc mà khách hàng nhận thấy sản phẩm của bạn thực sự mang lại giá trị đáp ứng được nhu cầu của họ, trong lần đầu tiên sử dụng sản phẩm.

Bạn có thể hình dung quá trình dùng sản phẩm của một new user như sau: Họ bắt gặp sản phẩm của bạn trên một kênh truyền thông nào đó → Tò mò vào website/fanpage tìm hiểu thông tin → Thử tạo tài khoản/ tải app về dùng thử → Thực hiện các bước onboarding, mày mò sử dụng, và … “wow cái này hay nhỉ!”, họ nhận thấy sản phẩm thực sự đáp ứng nhu cầu của mình.

Đó chính là “the Magic moment”, là khoảnh khắc mà bạn có thêm 1 new active user.


Diễn giải ngắn gọn như trên, ta có thể thấy tại sao mọi team phát triển sản phẩm cần quan tâm đến “the Magic moment”: Thời điểm một khách hàng đạt tới “the Magic moment”, tỷ lệ họ trở thành active user tăng cao hơn, tỷ lệ rời bỏ (churn rate) giảm, giá trị vòng đời khách hàng (Lifetime Value – LTV) tăng theo, tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

Đặc biệt, nếu sản phẩm của bạn đang trong quá trình tăng trưởng người dùng, thì việc đảm bảo người dùng mới đạt “the Magic moment” trong thời gian nhanh nhất có thể là rất quan trọng, bởi nó sẽ tăng tỷ lệ chuyển đổi từ registered user (người dùng đăng ký) thành active user, và có thể là cả paid user (người dùng trả phí).

Andy Johns, Vice President of Growth của Wealthfront, và từng là Product manager tại Facebook, Twitter và Quora, đã đưa “the Magic moment” là một trong 3 thành tố tạo nên tăng trưởng bền vững cho một sản phẩm, bên cạnh Top of Funnel và Core Product Value.

 


* ThinkZone sẽ có một bài viết riêng chia sẻ về tư duy tăng trưởng sản phẩm của Andy Johns.

 

ĐƯA ‘THE MAGIC MOMENT’ VÀO QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM THẾ NÀO?

Xác định giá trị cốt lõi của sản phẩm

Đầu tiên, và cũng quan trọng nhất, bạn phải định nghĩa được “the Magic moment” cho sản phẩm của mình. Câu hỏi đặt ra là: Đâu là khoảnh khắc khiến khách hàng phải wow và hài lòng về giá trị mà sản phẩm của tôi mang lại?

Làm sao để trả lời câu hỏi này? Hãy đặt các giả thiết và lần lượt kiểm chứng nó với khách hàng. Ở giai đoạn này, bạn sẽ phải tự hỏi rằng đâu là giá trị cốt lõi khiến người dùng sử dụng sản phẩm của tôi. Và rất nhiều khi, câu hỏi này gây đau đầu ở chỗ sản phẩm của bạn thường mang tới nhiều hơn 1 giá trị, và bạn không rõ đâu là giá trị chính thu hút khách hàng.

Mọi người sử dụng Facebook để đăng status và ảnh, hay để cập nhật tin tức, hay để nhắn tin với bạn bè? Người ta vào group cộng đồng của bạn để kết nối, hay để học hỏi kiến thức?

Hãy lần lượt test những giả định trên, và xác định xem đâu là giá trị chính mà khách hàng kỳ vọng ở bạn, rồi từ đó chọn một định nghĩa phù hợp nhất cho “the Magic moment” của sản phẩm.

 

 

Ví dụ, Facebook xác định giá trị cốt lõi của họ là sự kết nối, và họ định nghĩa “the Magic moment” của mình là khi một user có 10 người bạn đầu tiên, và họ xây dựng trải nghiệm người dùng để đảm bảo mọi user mới dùng Facebook đều sẽ có ít nhất 10 bạn bè trong vòng 14 ngày. Tại sao lại là 10 và 14? Con số này được rút ra từ data, khi mà một người dùng trung bình có 10 bạn bè trong 14 ngày có tỉ lệ rời bỏ (churn rate) ở mức tối thiểu mà Facebook kỳ vọng.

“The Magic moment” có thể áp dụng cho mọi mô hình kinh doanh. Với Netflix, nếu một user mới đăng ký, nhưng không xem bất kỳ một phim nào, thì sớm muộn họ cũng sẽ hủy subscription. Như vậy, với mô hình kinh doanh của Netflix, ta có thể hình dung “the Magic moment” sẽ là thời điểm 1 new user xem một số lượng phim nào đó trong 1 khoảng thời gian nào đó, ví dụ 2 phim/ tháng.

 

Kiểm chứng các giả định

Với mỗi định nghĩa của bạn cho “the Magic moment”, hãy xây một phiên bản sản phẩm sao cho người dùng đạt “the Magic moment” trong thời gian ngắn nhất (phiên bản đơn giản thôi, giữ tinh thần lean startup). Tự hỏi thật kỹ rằng tại sao bạn lại nghĩ đó là “the Magic moment”? Tại sao nó lại khiến khách hàng tiếp tục dùng sản phẩm? Làm sao để bạn thu feedback/ data từ khách hàng để biết mình đang định nghĩa “the Magic moment” phù hợp?

 

 

Với mỗi phiên bản kể trên, test nó với người dùng, để xác định khoảng thời gian tối đa mà bạn cần đưa người dùng đạt “the Magic moment”: 14 ngày, 1 tuần, hay 1 tháng? Trong bối cảnh bão hòa các sản phẩm khiến sự chú ý của người dùng bị phân tán, khoảng thời gian này ngày càng trở nên ngắn hơn, thường tính bằng ngày, tuần, hoặc thậm chí vài phút.

Xác định được khoảng thời gian đó rồi, hãy xây trải nghiệm khách hàng (UI, customer journey,…) sao cho họ đạt “the Magic moment” trong thời gian mà bạn đặt ra.

 

Liên tục phân tích và tối ưu

Để tìm được “the Magic moment” phù hợp cho sản phẩm của mình, bạn sẽ cần liên tục thu thập dữ liệu người dùng, phân tích và điểu chỉnh. Điều chỉnh ở đây bao gồm điều chỉnh cả định nghĩa “the Magic moment” và hành trình user để họ đạt được “the Magic moment” một cách trơn tru, thuận tiện nhất có thể.

Khoảng thời gian 14 ngày có làm tăng đáng kể lượng active user? Có nên giảm xuống 10 ngày không? Các bước đăng ký, đăng nhập đã đủ thuận tiện chưa? Đó là những câu hỏi mà Facebook phải liên tục trả lời cho định nghĩa “the Magic moment” của mình.

 

TỔNG KẾT

Việc cân nhắc đến “the Magic moment” trong hành trình trải nghiệm sản phẩm của người dùng giúp bạn luôn giữ trong tâm trí mình một customer-centric mindset (tư duy xoay quanh người dùng), điều hướng mọi thành tố, tính năng của sản phẩm nhằm giúp người dùng nhận được giá trị mình cần một cách nhanh nhất.

→ Vậy, “the Magic moment” đối với sản phẩm của bạn là gì? Hãy bắt đầu nghĩ về nó ngay hôm nay nhé!