Axie Infinity và Zero-sum game - Tác động, Rủi ro, và Nhìn nhận thế nào cho phù hợp?

Bài viết này tổng hợp toàn bộ phân tích về những tác động lớn lao thay đổi cuộc sống hàng triệu người dân trên thế giới của tựa game Axie Infinity, cùng những rủi ro trong tương lai xoay quanh mô hình Play-to-earn. Qua đây, bạn đọc có thể có một cái nhìn tổng quan và phù hợp nhất về mô hình này.

 

Nếu bạn lần đầu nghe hoặc chưa rõ về mô hình của Axie Infinity, hãy đọc bài viết “Tất tần tật về Axie Infinity” trước khi tiếp tục nhé.

 

---

Subscribe Newsletter và đồng ý nhận thông báo trên website của ThinkZone để không bỏ lỡ những bài viết bổ ích mỗi tuần nhé!

---

 

* Disclaimer:

➤ Bài viết không có ý phê phán hay khuyến cáo mọi người không nên chơi Axie Infinity. Ngược lại, ThinkZone công nhận thành công và tính đột phá mà Axie Infinity tạo nên với mô hình Play-to-earn, cùng những tác động lớn lao mà Axie mang lại cho người chơi trên toàn cầu. Tuy nhiên, như mọi hình thức đầu tư, ThinkZone tin rằng mỗi chúng ta nên hiểu rõ những tiềm năng và rủi ro đi kèm với nó, để có một cái nhìn và kỳ vọng phù hợp nhất. Đây cũng là nội dung chính của bài viết này.

➤ Các luận điểm trong bài được tổng hợp từ nhiều nguồn thảo luận khác nhau, cùng quan điểm của ThinkZone, và cả chia sẻ trực tiếp từ Co-founder & CEO của Sky Mavis. Nếu bạn đọc có ý kiến đóng góp, hãy bình luận trên các bài viết hoặc liên hệ ThinkZone để chúng ta cùng có cái nhìn toàn diện nhất về chủ đề này nhé.

 

1. AXIE INFINITY ĐÃ THAY ĐỔI THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

Trong bài viết trước, thật sơ suất khi ThinkZone chưa phân tích kỹ những tác động tích cực và tiềm năng mà Axie Infinity mang lại. Như đã nói ở trên, Axie Infinity là một tựa game đột phá, với những tác động lớn lao chưa từng có mà nó mang lại cho hàng triệu người chơi trên thế giới.

 

Mô hình Play-to-earn

Nếu chỉ nhìn ở góc độ gameplay, có lẽ Axie Infinity sẽ không có gì quá nổi bật so với các tựa game thẻ bài (card game) với những thú cưng đáng yêu mang tên Axie. Yếu tố đột phá của Axie nằm ở mô hình Play-to-earn, cho phép người chơi có thể kiếm tiền từ game, không chỉ một số mà rất đông người chơi, không phải là ít mà thậm chí là đủ tiền để trang trải cho cuộc sống.

Diễn giải đơn giản, để kiếm tiền từ Axie Infinity, người chơi mới sẽ phải bỏ một khoản tiền ban đầu để mua ít nhất 3 Axie trên marketplace của game. Với mức giá hiện tại, trung bình khoản tiền này là khoảng $750 - $800 cho một đội hình với sức mạnh tầm trung (giá liên tục biến đổi theo cung-cầu của thị trường). Với 3 Axie ban đầu, bạn có thể chơi game, làm nhiệm vụ để kiếm AXS (một token nhiều chức năng trong game)SLP (token dùng để phối giống tạo Axie mới). Từ 3 Axie, AXS và SLP, bạn sẽ có 2 cách kiếm tiền:

➤ Phối giống các Axie, tạo Axie mới và bán lại trên marketplace với giá cao hơn giá khi mua. Bạn cũng có thể bán các vật phẩm khác trong game (nhà, đất,...) trên marketplace này.

➤ Đổi các token AXS và SLP thành USD thông qua các sàn Binance hay Uniswap.

 

Marketplace của Axie Infinity.

 

Việc bán các skin hay vật phẩm hiếm trong game để kiếm tiền không phải là điều quá xa lạ với cộng đồng game. Các bạn đọc từng chơi Võ Lâm Truyền Kỳ chắc cũng từng nghe qua câu chuyện “bán skin ngựa Xích Thố là đủ tiền mua xe SH”, hay với Liên Minh Huyền Thoại, việc kiếm hàng chục tới hàng trăm triệu đồng qua việc bán các skin hiếm như PAX Jax, Ryze Thời Niên Thiếu, Alista Đen,...

Tuy nhiên, Axie Infinity là tựa game tiên phong xây dựng một marketplace cho người chơi buôn bán vật phẩm trong game, biến nó thành một trong những hoạt động chính thức của game, chứ không chỉ là những giao dịch ngoài game như trước đây.

Với công nghệ blockchain làm nền tảng, Axie đã tạo nên một hệ thống phi tập trung cho phép việc trao đổi vật phẩm trong game được diễn ra hoàn toàn dựa theo cung-cầu thị trường. Công nghệ NFT cho phép mỗi vật phẩm là độc nhất, còn yếu tố phi tập trung (decentralization) giải quyết rủi ro nhà phát hành game thao túng giá trị vật phẩm bằng cách phát hành/ thu hồi các vật phẩm trong game.

 

Mô hình chi tiết hơn về cấu trúc kinh tế trong game.
Đọc bài viết "Tất tần tật về Axie Infinity" để hiểu rõ hơn.

 

Tác động tích cực thay đổi cuộc sống của hàng triệu người

Có lẽ thời gian đầu đội ngũ Sky Mavis cũng chưa thể hình dung trước được tác động lớn lao mà Axie có thể tạo ra. Theo chia sẻ của Co-founder & CEO Nguyễn Thành Trung, Axie được truyền cảm hứng bởi Pokémon, và Axie Infinity được xây dựng với kỳ vọng sẽ trở thành một tựa game phổ biến, một identity được cả thế giới biến đến như Pokémon, tức yếu tố Play-to-earn không được đặt quá nhiều kỳ vọng trong thời gian đầu.

Axie cũng được launch đầu tiên ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, và rồi dần dần qua word-of-mouth, tựa game này tự lan tới những thị trường nơi mà người chơi cần nó nhất: các quốc gia đang phát triển, nơi mà kiến thức của người chơi về những thuật ngữ mới như blockchain hay NFT thậm chí không cao so với các quốc gia phát triển khác. 

Và bất kể khoản đầu tư gần $1,000 cùng 7 bước “cồng kềnh” để bắt đầu chơi game, số người chơi Axie Infinity ở các quốc gia này vẫn tăng trưởng thần kỳ, bởi tại đó, Axie đã trở thành kênh kiếm sống của rất nhiều người. Hiện tại trong hơn 2.7 triệu Monthly Active Users của Axie, có 40.5% số người chơi tới từ Philippines, sau đó là Venezuela (6.31%), Thái Lan (4.73%), Brazil (3.3%),...

 

 

Trong một phóng sự về Axie Infinity tại Philippines, rất nhiều người dân tại thành phố Cabanatuan, từ người trẻ đến cặp vợ chồng 75 tuổi, từ tài xế tới chủ tiệm tạp hóa, đều đang chơi Axie Infinity để kiếm thêm $5 - $6 thu nhập mỗi ngày. Nhiều gia đình lâm vào tình cảnh thất nghiệp do Covid có thể chơi tới 20 giờ/ ngày, kiếm tới $1,000/ tháng, một mức thu nhập khấm khá tại những quốc gia mà thu nhập trung bình của người lao động chỉ khoảng $135/ tháng.

 

Mô hình scholarship

Nhắc đến tác động xã hội của Axie Infinity, không thể không kể đến mô hình scholarship, được tạo ra nhằm giúp những người chơi không có đủ tiền để mua lượng Axie ban đầu vẫn có thể chơi game.

Cụ thể, Axie Infinity cho phép người chơi có thể tạo nhiều tài khoản, và cho thuê những tài khoản đó cho người chơi khác. Những người cho thuê tài khoản, giả sử anh A, là những người có vốn, có kinh nghiệm chơi game, nhưng không có nhiều thời gian chơi game, khi đó họ có thể đổ tiền mua Axie, và cho thuê tài khoản của mình để những người khác không có tiền mua con Axie ban đầu, giả sử bạn B, cũng có thể chơi game.

Thực chất, đây có thể coi là một hình thức "cày thuê", tuy nhiên với Axie Infinity, mô hình này cho phép nhiều người có điều kiện tài chính không quá tốt cũng có thể chơi và kiếm tiền từ game. Ở ví dụ trên, anh A, với vốn và kinh nghiệm, mua Axie và hướng dẫn bạn B chơi game, doanh thu sau đó được chia giữa 2 người. Ở quy mô lớn, cả ở Việt Nam cũng có, mô hình này đã giúp rất nhiều bạn trẻ và người thất nghiệp kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

 

 

Với 2.7 triệu người chơi trên toàn thế giới, chủ yếu từ các nước đang phát triển, những tác động tích cực mà Axie Infinity mang lại thực sự lớn lao, mang tính đột phá, và thay đổi cuộc sống của rất nhiều người dân lao động.

Càng tự hào hơn nữa khi điều này được tạo nên bởi một startup do người Việt sáng lập, và startup đó cũng đã trở thành kỳ lân (chỉ sau 4 năm thành lập). Một lần nữa chúc mừng đội ngũ Sky Mavis cho thành tựu truyền cảm hứng này!

---

 

2. VẬY, RỦI RO NẰM Ở ĐÂU TRONG MÔ HÌNH PLAY-TO-EARN?

Dĩ nhiên không phải vô cớ mà các cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới vẫn đang tranh cãi về rủi ro xoay quay mô hình Play-to-earn của Axie Infinity, với những từ khóa thường gặp như “Zero-sum game”, “Tháp Ponzi”, hay thậm chí là “mô hình đa cấp”.

 

2.1. Tại sao lại rủi ro?

Hãy cùng nhìn lại cách người chơi kiếm tiền từ game:

 

Bỏ tiền mua Axie → Chơi game kiếm vật phẩm và tạo Axie → Bán lại Axie

 

Vậy, bạn mua Axie từ ai? Từ người chơi khác như bạnBạn bán Axie cho ai? Cho người chơi khác như bạn.

Trong một cấu trúc kinh tế, người bán tạo sản phẩm và bán cho người mua, đổi lấy tiền; còn người mua trả tiền, đổi lấy giá trị sử dụng của sản phẩm. Tuy nhiên trong mô hình Play-to-earn, ai cũng muốn mua để rồi trở thành người bán.

 

 

Người chơi sau trả tiền cho người chơi trước để mua Axie, để sau này bán lại cho người chơi khác với giá cao hơn. Vậy quá trình này sẽ kéo dài tới bao giờ? Ai sẽ là người cuối cùng? Dòng tiền đến từ người chơi và chảy qua lại giữa người chơi sẽ tạo nên một mô hình đóng, hệ quả là một Zero-sum game: có kẻ lãi thì chắc chắn có người mất tiền.

 

* Trên đây là cơ chế game được minh họa đơn giản hóa để bạn đọc dễ hình dung. Trong thực tế, cơ chế này phức tạp hơn, người chơi thường kết hợp kiếm lợi nhuận từ cả bán Axie và trade các đồng AXS, SLP trên các sàn khi giá có biến động, nhưng cơ chế chung vẫn là mô hình đóng, dòng tiền luân chuyển qua lại giữa các người chơi (cả người chơi mới và người chơi cũ đổ thêm tiền vào game).

 

2.2. Mô hình này kéo dài được tới khi nào?

Để người chơi luôn kiếm được lợi nhuận hàng tháng từ việc bán Axie và trade AXS, SLP, ta cần: Số tiền mới đổ vào game mỗi tháng đủ lớn (thông qua các sàn trading AXS, SLP và Axie marketplace) để đáp ứng nhu cầu bán Axie và trade token của người chơi hiện tạiSố tiền này có thể đến từ người chơi mới hoặc người chơi cũ tiếp tục đổ tiền vào game, nhưng chủ yếu là đến từ người chơi mới để game có thể duy trì lâu dài.

Điều này yêu cầu game phải luôn giữ được sức nóng, luôn có thêm người chơi, và cũng luôn có thêm tiền từ ngoài đổ vào để trả cho những người chơi cũ. Người chơi đổ tiền mua Axie vì họ tin rằng các Axie có giá trị, để sau này họ có thể phối giống và tạo ra các Axie mới có giá trị hơn. Mô hình này sẽ còn trụ vững, chừng nào các Axie và các token (AXS, SLP) còn có giá trị với người chơi, bởi đến khi các vật phẩm này mất giá trị trong mắt người chơi, những người bán đã bỏ rất nhiều tiền để chơi game sẽ không tìm được người mua, tức họ sẽ mất tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Khi đó mô hình Play-to-earn bắt đầu sụp đổ.

 

 

Chính điều này đã rấy lên một câu hỏi lớn: Vậy đâu là yếu tố làm nên giá trị của một vật phẩm NFT như Axie? Tại sao Axie lại có giá trị? Và liệu nó giữ được giá trị tới bao giờ? 

ThinkZone cũng chưa có lời giải cho câu trả hỏi này. Dưới đây là một số tranh luận để bạn đọc tự đưa ra quan điểm của riêng mình.

➤ Giá trị của một vật được quyết định bởi niềm tin của số đông. Ta coi kim cương, bức tranh Monalisa, tờ tiền giấy,... có giá trị bởi mọi người xung quanh đều coi nó là có giá trị. Vậy nên bài toán của Axie Infinity là giữ được cộng đồng người chơi trung thành, bởi người bỏ tiền mua Axie là người chơi, những người chơi đó khiến các Axie có giá trị, và một khi game hết người chơi thì Axie cũng hết giá trị → Điều này khiến khiến nhiều người có thể tin tưởng rằng 1 game với gameplay sâu và tập người chơi trung thành như Axie Infinity sẽ giữ vững được mô hình Play-to-earn của mình ít nhất là trong vài năm tới.

➤ Nhiều người so sánh mô hình mua rẻ bán đắt để kiếm lời của Axie Infinity với mô hình của thị trường chứng khoán, với luận điểm rằng thị trường chứng khoán vẫn tồn tại bền vững, nên Axie Infinity cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, các công ty trên thị trường chứng khoán tạo ra các sản phẩm/ dịch vụ có giá trị thặng dư với xã hội, và giá trị đó bền, được công nhận bởi thị trường, từ đó tạo nên Positive-sum Game khiến thị trường chứng khoán bền vững. Còn với các vật phẩm NFT trong game, giá trị của chúng là một điều gì đó còn mới và mơ hồ, có phải là giá trị thặng dư cho xã hội không, và về lâu dài có còn giữ được giá trị đó hay không? Đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

 

 

Chia sẻ từ những người chơi Axie Infinity, hiện tại giá Axie đang giảm so với trước đây, đồng thời thách thức chính của game hiện nay là việc đồng SLP đang dần trở nên lạm phát, khi số lượng SLP trên thị trường ngày càng nhiều. Thông thường, người chơi có thể kiếm SLP qua việc được thưởng khi chơi game hàng ngày hoặc qua trading trên sàn. Việc có quá nhiều SLP có thể dẫn đến một số hệ quả:

➤ Người chơi có thể phối giống Axie ồ ạt → Nguy cơ lạm phát giá Axie.

➤ Giá SLP trên các sàn giảm → Người chơi không còn kiếm được tiền từ trading SLP.

 

Đây là dấu hiệu đáng lưu ý cho những bước phát triển sắp tới của đội ngũ Axie Infinity, bởi nếu xảy ra tương lai Axie và các token của game mất giá, cái kết của Zero-sum Game sẽ xảy ra. Vậy làm sao để tránh việc mô hình Play-to-earn sụp đổ? Chúng ta hãy cùng đến với một số ý kiến dưới đây.

 

2.3. Có cách nào để giữ mô hình này không sụp đổ?

Đội ngũ Axie Infinity cũng đã đưa ra nhiều biện pháp về cả cơ chế game và định hướng sắp tới nhằm giải quyết, hoặc kìm chân, cái kết của Zero-sum Game.

 

Giới hạn số lượng phối giống của Axie

Hiện tại mỗi Axie đang được giới hạn tối đa 7 lần phối giống, với mức phí (gồm AXS và SLP) ngày càng cao sau mỗi lần phối. Cơ chế này giúp hạn chế tốc độ tăng số lượng Axie trên marketplace. 

Cụ thể, đến khi Axie hiện tại của bạn không thể phối giống để tạo Axie mới được nữa, và các Axie này cũng thường có giá thấp trên marketplace nên nếu bán cũng không được bao nhiêu, bạn sẽ cần mua thêm Axie (giả sử từ người chơi X) để tiếp tục phối giống và bán Axie. Như vậy, người chơi X có thể kiếm lời từ việc bán Axie cho bạn (là người chơi sẵn có), thay vì phải đợi thêm người chơi mới vào game.

 

 

Một số người chơi cũng đề xuất ý tưởng “burned Axie”, tức các Axie sau một quãng thời gian nhất định sẽ bị “tiêu hủy”, để giảm mạnh hơn nữa lượng Axie trên thị trường.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp kìm hãm tạm thời bằng cách giảm tốc độ tăng Axie và giảm nhu cầu phải có người chơi mới. Thời điểm bạn bỏ tiền mua thêm Axie cũng là lúc bạn bỏ thêm tiền vào game, và nếu không bán được Axie sau đó để thu vốn và kiếm lời thì bạn vẫn mất tiền, mô hình Pay-to-earn vẫn sụp đổ.

 

Giảm số lượng SLP thưởng mà người chơi nhận được

Sau đợt cập nhật game vào tháng 8 năm nay, lượng SLP tối thiểu mà người chơi nhận được hàng ngày bị giảm một nửa. Chính sách này giúp giảm số lượng SLP trên thị trường, kìm hãm những rủi ro dài hạn đã được nói ở trên, tuy nhiên cũng khiến nhiều người chơi bất bình ro thu nhập của họ trong ngắn hạn bị ảnh hưởng.

Cũng giống như việc giới hạn số lần phối giống Axie, đây cũng là giải pháp từ ngắn tới trung hạn, chứ chưa hoàn toàn giải quyết được bài toán Zero-sum game.

 

Kiếm tiền từ các nguồn bên ngoài để trả cho người chơi

Rủi ro Zero-sum game đến từ mô hình đóng khi dòng tiền chỉ đến và luân chuyển giữa các người chơi. Một cách để giải quyết vấn đề này là biến nó thành một mô hình mở, tức là Axie Infinity có thể kiếm thêm nguồn tiền từ ngoài game, rồi thông qua một số cơ chế gameplay để chi trả cho người chơi.

Định hướng này cũng đã được nhắc tới trong Kế hoạch phát triển dài hạn của Axie Infinity, bao gồm quảng cáo & tài trợ, bán vật dụng/ đồ lưu niệm liên quan đến game, hay tổ chức các sự kiện offline/ giải đấu. 

Qua những sự kiện này, Axie có thể thu tiền từ ngoài game (từ người hâm mộ, các nhãn hàng tài trợ/ đặt quảng cáo...). Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp ngắn tới trung hạn, bởi nếu nhìn theo số liệu hiện tại, lượng tiền tài trợ hay bán vật dụng này cũng sẽ phải mang lại số tiền khoảng $1,000/ người chơi/ tháng (và con số này sẽ còn tăng nữa) để đảm bảo tất cả người chơi đều có lợi nhuận → Một con số không tưởng với 2.7 triệu MAUs của Axie Infinity.

 

Đầu tư vào gameplay, giữ tập người chơi trung thành

Như đã nói ở trên, giá trị của Axie và các token trong game được quyết định bởi nhu cầu của người chơi game. Chừng nào Axie Infinity còn người chơi, chừng đó các Axie và các token này còn có giá trị.

Gameplay có chiều sâu cũng là một điểm sáng của Axie Infinity so với nhiều tựa game thuần Play-to-earn khác, bởi nếu chỉ thuần Play-to-earn, người chơi sẽ sớm rời bỏ ngay khi thị trường có downtrend. Còn nếu gameplay đủ tốt và có tập người chơi trung thành, game sẽ đứng vững hơn trước biến động thị trường, và giúp giữ giá trị cho các vật phẩm trong game. Theo hướng này, bài toán của Axie Infinity nằm ở việc xây dựng cộng đồng, cân bằng game, và phát triển gameplay.

Tuy nhiên, một lần nữa nên lưu ý rằng, giá trị của những vật phẩm này còn là một thứ gì đó rất mơ hồ, và mọi người vẫn luốn quan ngại về việc giá trị này có thể được giữ lâu dài tới mức nào, 3 năm, 5 năm, hay 10 năm nữa sẽ ra sao?

 

 

Thay đổi góc nhìn và kỳ vọng: Ta chơi game đâu phải chỉ vì tiền?

Dường như tính mới lạ của mô hình Play-to-earn đã khiến chúng ta quá tập trung vào khía cạnh này mà quên mất rằng: Axie Infinity bản chất cũng là một trò chơi. Và như bao trò chơi khác, chúng ta chơi game còn vì nhiều yếu tố khác: giải trí, rèn luyện trí óc, hay niềm vui mỗi khi chiến thắng và lọt top các bảng xếp hạng.

Nhìn lại, Axie Infinity là một tựa game thẻ bài mang tính chiến thuật, với gameplay có chiều sâu cùng các Axie đáng yêu và vùng đất Lunacia đầy kỳ bí. Đó chẳng phải là những yếu tố thú vị thu hút ta đến với các tựa game mà ta vẫn chơi từ trước tới nay như Boom Online, Võ Lâm Truyền Kỳ, Dota, hay Liên Minh Huyền Thoại?

Và trước giờ ta vẫn chấp nhận bỏ tiền vào những game đó để đổi lấy niềm vui, thể hiện bản thân mà không hề kỳ vọng về lợi nhuận.

 

 

Vậy, tại sao mọi người dường như lại có một cái nhìn quá khắt khe về tính Play-to-earn của Axie như vậy?

Trong một tập của The Growth Podcast (sản xuất bởi UpYouth), Co-founder & CEO Nguyễn Thành Trung đã trực tiếp chia sẻ về điều này:

 

“Nếu đơn thuần nhìn vào giá trị tài chính của Axie Infinity thì nó rõ ràng sẽ là một Zero-sum game, có người bỏ vào thì có người sẽ mất. Cái đó chắc chắn là sẽ không bền. Để Axie bền vững, sẽ cần có những người chơi tham gia game mà không kỳ vọng vào lợi nhuận tài chính, mà chủ yếu tìm kiếm niềm vui, sự ham thích khi chơi game. Khi đó Axie Infinity, suy cho cùng, sẽ vẫn là một tựa game để giải trí, và yếu tố Play-to-earn chỉ là một add-on value mà thôi”

 

 

Và thực tế, Axie cũng đã sở hữu một lượng lớn người chơi trung thành, chơi game vì gameplay của game chứ không phải vì khía cạnh tài chính. Những người chơi này có thể được tìm thấy ở các giải đấu Axie trên khắp thế giới, hay hội những người chơi Axie từ ngày đầu. Đội ngũ Axie cũng đã khảo sát về động lực của người chơi, và 37% trong đó nói rằng họ chơi vì cộng đồng, thay vì khía cạnh kinh tế.

Tuy nhiên, trong một bài phân tích dựa theo giá của Axie hiện tại, để số tiền bỏ vào của những non-earning players có thể đủ để mang lại lợi nhuận cho các earning players một cách bền vững, tỷ lệ earning players/ non-earning players phải được giữ ổn định ở mức 1:700, vẫn còn quá xa so với tỷ lệ hiện tại.

Điều này có nghĩa, đội ngũ Axie Infinity có thể sẽ phải làm mạnh hơn nữa việc thay đổi định hướng của người chơi, định vị Axie Infinity là “một tựa game giải trí có yếu tố Play-to-earn”, thay vì là một tựa game Play-to-earn như nhiều người quan niệm hiện tại.

 

TỔNG KẾT

Trên đây là tổng hợp những phân tích về tính đột phá cùng tác động lớn lao mà Axie Infinity đã mang lại cho người chơi trên khắp thế giới, cùng những rủi ro đi kèm trong thời gian dài, cụ thể là bài toán Zero-sum game.

Cũng nên lưu ý rằng ngành blockchain game vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, với ngày càng nhiều startup/ tập đoàn lớn tham gia cùng nhau giải bài toán này. Ta vẫn có quyền hy vọng về một tương lai không xa khi bài toán Zero-sum game sẽ được giải quyết, có thể bởi Axie, có thể bởi một startup khác, với một mô hình Play-to-earn hoàn thiện hơn nữa, giúp hàng triệu người trên thế giới thay đổi cuộc sống, kiếm thu nhập từ game một cách bền vững.

Khi đó, rất có thể ta sẽ được thấy một Apple, Facebook hay Google tiếp theo. Và sẽ thật tự hào nếu đó là một công ty từ Việt Nam.

 

* Chân thành cảm ơn góp ý từ các bạn Phạm Phùng Hào (về mô hình scholarship, gameplay), bạn Nguyễn Đạt (về giá trị cập nhật của Axie), cùng nhiều thành viên khác trong cộng đồng đã giúp ThinkZone hoàn thiện hơn bài viết này.

 

Tham khảo:

https://medium.com/coinmonks/axie-infinity-gaming-nft-revolution-or-ponzi-scheme-3d81b1647429 

https://www.notboring.co/p/infinity-revenue-infinity-possibilities 

https://www.youtube.com/watch?v=Yo-BrASMHU4 

https://playercounter.com/axie-infinity/

https://bit.ly/3DMUF73