ĐƯA CHIẾN LƯỢC KINH DOANH VÀO SƠ ĐỒ VẬN HÀNH VỚI OPERATING MODEL CANVAS

Business Model Canvas (BMC) vẫn thường được sử dụng để phác họa cái nhìn tổng quan nhất về một doanh nghiệp, bao gồm các thành tố về Tập khách hàng, Tuyên bố giá trị, Hoạt động chính, Doanh thu, Chi phí,... Tuy nhiên, khi zoom in vào nửa bên trái, nửa vận hành, của BMC, người ta thường sử dụng một mô hình khác chuyên sâu về sơ đồ vận hành hơn, đó là Operating Model Canvas (OMC).

Nguồn ảnh: Internet

 

Operating Model Canvas là mô hình thường được sử dụng để đưa chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thành mô hình vận hành tương ứng với nó. OMC có thể được các nhà quản lý sử dụng ở cấp độ cao cho toàn công ty, hoặc ở các cấp độ nhỏ hơn cho phòng ban, hay nhỏ hơn nữa là đội nhóm. 

 

Như mọi canvas khác, Operating Model Canvas giúp nhà quản lý hệ thống hóa và tổng hợp những yếu tố cốt lõi nhất trong mỗi mô hình quản lý, giúp họ có được cái nhìn tổng quan, và không bỏ lỡ các thành tố quan trọng. OMC bao gồm 6 thành tố, thường gọi là POLISM cho dễ nhớ:

Process: Dòng công việc cần được thực hiện để hiện thực hóa Value Propositions (Tuyên bố giá trị) được nêu ở Business Model Canvas.

Organization: Cấu trúc của các nhân sự sẽ thực hiện công việc được xem xét, sơ đồ tổ chức các đơn vị, quyền quyết định, và các yếu tố tổ chức khác.

Location: Địa điểm đặt nhà máy/công sở, và nơi các công việc được tiến hành.

Information: Các ứng dụng phần mềm hay database được sử dụng.

Suppliers: Các nhà cung cấp hỗ trợ cho công việc được xem xét.

Management System: Hệ thống quản trị cho việc lên kế hoạch, phân bổ chi phí, quản trị hiệu suất, và quản trị nhân sự cần thiết để vận hành doanh nghiệp. Các hệ thống này làm cột trụ cho 5 thành tố trên nó.

 

Nguồn ảnh: Internet

 

Về chi tiết, các thành tố trên như sau:

1. PROCESS

Thành tố đầu tiên, và cũng là thành tố quan trọng nhất trong Operating Model Canvas là ô hình mũi tên ở giữa canvas - Process. Ở ô này, nhà quản trị sẽ liệt kê những hoạt động chính cần được thực hiện để mang lại những giá trị mà doanh nghiệp đó chỉ ra trong phần Value Proposition ở Business Model Canvas. Danh sách những hoạt động này còn được gọi là Value Delivery Chain (Chuỗi Cung cấp Giá trị).

 

Ở quy mô cả doanh nghiệp, Chuỗi Cung cấp Giá trị này bao hàm các bước cần thiết để doanh nghiệp hoàn thành sản phẩm và cung cấp tới khách hàng. Nếu áp dụng OMC cho đội nhóm, giả sử bộ phận Chăm sóc khách hàng, thì nội dung bạn cần điền ở ô này là quy trình chăm sóc khách hàng mà đội nhóm vẫn hàng ngày áp dụng.



2. SUPPLIERS

Ở góc trên bên trái của Operating Model Canvas là ô Suppliers. Tại ô này, nhà quản trị điền thông tin về những nhà cung cấp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện. Đây là những nhà cung ứng quan trọng mà doanh nghiệp sẽ cần phải xây dựng mối quan hệ đặc biệt, để hợp tác lâu dài.

 

Ở cấp độ đội nhóm hay phòng ban, suppliers có thể là những đội nhóm hoặc phòng ban khác có liên quan trực tiếp tới công việc của team/phòng ban của bạn.

 

3. LOCATION

Góc trên bên phải là Location, nơi bạn điền thông tin về vị trí mà các công việc ở mục Process sẽ được thực hiện. Các công việc được thực hiện ở chi nhánh nào? Tòa nhà nào? Văn phòng nào?,... Những thông tin đó cần được nêu rõ, và sẽ thuận tiện cho việc trao đổi làm việc sau này.

 

4. ORGANIZATION

Góc dưới bên trái là mục Organization. Tại mục này, bạn cần điền thông tin về hệ thống nhân sự sẽ tham gia các công việc ở Process. Các nhân sự sẽ được cấu trúc như thế nào? Luồng thông tin truyền từ ai đến ai? Ai là người có quyền ra quyết định? Việc làm rõ những chi tiết này sẽ giúp cho công việc vận hành được trơn tru và hiệu quả.

 

5. INFORMATION

Ở góc dưới bên phải là mục Information. Mục này tổng hợp các ứng dụng phần mềm hay database cần thiết để hỗ trợ các công việc trong phần Process.

 

6. MANAGEMENT SYSTEM

Nằm dưới tất cả các thành tố kể trên là một ô lớn mang tên Management System. Đây là nơi nhà quản trị điền các quy trình cần thiết cho công việc: 

- Quy trình Lên kế hoạch để đảm bảo các công việc được hoạch định theo đúng chiến lược.

- Quy trình Phân bổ vốn để đảm bảo việc thu chi cho các công việc nằm trong tầm kiểm soát.

- Quy trình Quản trị hiệu suất để đảm bảo hiệu quả của các đầu việc.

- Quy trình Phát triển để đảm bảo hiệu quả công việc dần được cải thiện sau mỗi vòng hoạt động.

Nguồn ảnh: Internet

 

Khi làm việc với Operating Model Canvas, nhà quản trị và đội nhóm thường in hoặc vẽ OMC lên bảng trắng, viết ý tưởng của mình ra sticky note, rồi dán lên canvas. Sau đó, mọi người cùng tranh luận để tối ưu kết quả cho OMC, tìm ra những điểm khác nhau về góc nhìn vấn đề, xác định những yếu tố quan trọng, và cách nhìn nhận khác nhau của mỗi người về các thành tố trong mô hình. Từ đó, cả team có thể thống nhất một quan điểm chung về mô hình vận hành của tổ chức/doanh nghiệp/phòng ban mình. 

 

Bài viết cùng chủ đề:

➤ Nhận diện chiến lược tốt và chiến lược tồi - Case study từ Nokia, Microsoft, IBM

➤ 7 chiến lược phát triển dành cho startup

➤ Sản phẩm tôi ngon, bán thế nào? 

➤ Bạn có đang khởi nghiệp quá sớm? Góc nhìn từ một accelerator